Tích hợp radar khắc chế điểm mù của camera trên cao tốc (22-12-2020)

Để khắc phục nhược điểm của hệ thống ITS (Intelligent Transportation System) trên các tuyến đường cao tốc hiện nay, cần tích hợp radar vào hệ thống này.

Hệ thống giao thông thông minh (ITS) bao gồm các camera giám sát đang phát huy hiệu quả trong công tác quản lý, vận hành nhiều tuyến đường cao tốc ở Việt Nam. Tuy nhiên, hệ thống này sẽ gặp khó khăn trong điều kiện khắc nghiệt, cần sớm khắc phục bằng cách tích hợp giải pháp radar vào hệ thống ITS.

Lợi lớn từ lắp đặt hệ thống ITS

Cuối tháng 6/2020, Cục CSGT (Bộ Công an) tổ chức khánh thành, bàn giao hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự ATGT trên tuyến cao tốc Hà Nội – Lào Cai. Theo đó, 110 camera giám sát đã được lắp đặt tại 87 điểm giám sát trên tuyến đường này.

Từ khi hệ thống camera giám sát được đưa vào hoạt động đã giúp sức rất lớn cho lực lượng chức năng trong công tác quản lý Nhà nước về bảo đảm trật tự ATGT, xử phạt vi phạm, đấu tranh phòng chống tội phạm trên tuyến.

Thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng, Đội trưởng Tuần tra kiểm soát cao tốc Nội Bài – Lào Cai cho biết, thống kê từ ngày 15/7/2020 đến nay, qua hệ thống camera giám sát, xử lý vi phạm trên cao tốc, đơn vị đã xử phạt gần 4.000 trường hợp, trong đó phạt trực tiếp khoảng 3.000 tài xế. Ngoài ra, gần 1.000 chủ phương tiện đã đến nộp “phạt nguội” theo giấy mời.

Camera trong hệ thống giao thông thông minh ( ITS: Intelligent Transportation System) cho đường cao tốc

“Trung bình mỗi ngày, hệ thống camera giám sát trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai phát hiện hơn 100 trường hợp vi phạm giao thông. Bên cạnh lỗi vi phạm tốc độ, các camera còn ghi lại lỗi đi vào làn khẩn cấp, dừng đỗ không đúng quy định, đi ngược chiều, lùi trên đường cao tốc…”, Thượng tá Thắng nói và cho biết, từ khi hệ thống camera được lắp đặt, các tổ xử lý vi phạm ở hai đầu cao tốc và tại trạm thu phí được rút từ 6 xuống còn 3 cán bộ, chiến sỹ.

Ngoài ra, hệ thống camera giám sát này hoạt động 24/24h, không chỉ phát huy hiệu quả trong công tác xử lý vi phạm mà còn góp phần giám sát, giúp lực lượng CSGT nắm bắt, xử lý các tình huống phát sinh trên tuyến.

Theo Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT, hiện có hai loại hệ thống camera giám sát trên các tuyến đường cao tốc. Đầu tiên là hệ thống camera giám sát do Bộ Công an đầu tư, lắp đặt trên tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, TP HCM – Trung Lương, TP HCM – Long Thành – Dầu Giây.

Hai là hệ thống camera giám sát do Bộ GTVT, nhà đầu tư lắp đặt trên các tuyến cao tốc khác, điển hình là cao tốc Hà Nội – Hải Phòng do VIDIFI đầu tư.

“Đối với tuyến cao tốc do Bộ GTVT, nhà đầu tư lắp đặt, lực lượng CSGT cũng tận dụng cơ sở hạ tầng, dữ liệu hình ảnh trên các tuyến này để sử dụng cho việc xử lý vi phạm”, Thiếu tướng Lê Xuân Đức cho hay.

Trao đổi với Báo Giao thông, một chuyên gia cho biết, hệ thống ITS đang vận hành tại các tuyến đường cao tốc ở Việt Nam dù mang lại nhiều lợi ích lớn nhưng vẫn bộc lộ nhiều hạn chế do giới hạn về công nghệ sử dụng.

Cụ thể, trong Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 10850:2015 về hệ thống giám sát, điều hành giao thông trên đường cao tốc đã đưa ra cấu trúc của hệ thống giám sát điều hành giao thông cùng yêu cầu kỹ thuật đối với 14 hệ thống thành phần: Hệ thống camera giám sát giao thông (CCTV), hệ thống dò xe (VDS), hệ thống quản lý sự kiện, hệ thống cung cấp thông tin giao thông (VMS). Trong đó, yêu cầu giám sát liên tục, không gián đoạn, tự động phát hiện sự kiện: Ùn tắc, xe vi phạm… được đặc biệt nhấn mạnh.

“Các hệ thống ITS đã triển khai ở nước ta chỉ mới sử dụng camera như một thiết bị chính phục vụ quản lý, giám sát giao thông. Nhược điểm của chúng là bị giới hạn khả năng làm việc trong các điều kiện cực hạn như: Thời tiết, ánh sáng, khói lửa… cũng như độ chính xác, khả năng tự động hóa, tạo lập cơ sở dữ liệu. Nói nôm na, hệ thống camera đang phải gánh vác các nhiệm vụ quá sức so với các yêu cầu đề ra trong TCVN 10850:2015, chưa kể đến là việc đòi hỏi về độ dự trữ của hệ thống”, chuyên gia nói.

Tối ưu hiệu quả khi tích hợp radar vào hệ thống ITS

Cũng theo vị chuyên gia này, để khắc phục nhược điểm của hệ thống ITS trên các tuyến đường cao tốc hiện nay, đảm bảo đáp ứng yêu cầu kỹ thuật trong tiêu chuẩn hiện hành, giải pháp phù hợp nhất là tích hợp radar vào hệ thống ITS.

Bởi, nhiều năm qua ngành công nghiệp ô tô đã phổ biến việc trang bị các cảm biến radar trên xe, đầu tiên là các cảm biến sườn chống va chạm để giúp tài xế luôn có một trợ lý về “điểm mù”.

Ngày nay, công nghệ radar tầm xa đang trở nên phố biến và là xu hướng tất yếu trong việc hỗ trợ, tự động cảnh báo cho người lái xe: Hỗ trợ giữ khoảng cách an toàn, hỗ trợ phanh, dừng khẩn cấp, hỗ trợ cảnh báo xe/người cắt ngang…

“Ngay khi cảm biến radar trở nên phổ biến, công nghệ radar cũng đã tích hợp vào các hệ thống giao thông thông minh và được xem như một giải pháp kỹ thuật hoàn hảo kết hợp cùng hệ thống camera nhằm tăng cường năng lực giám sát, quản lý giao thông trên đường cao tốc được toàn diện, liên tục, theo thời gian thực.

Công nghệ này đã triển khai ở nhiều tuyến cao tốc, các trục giao thông chính, hầm đường bộ tại nhiều quốc gia trên thế giới như: Hàn Quốc, Trung Quốc, New Zealand, Anh, Ý, Úc, Na Uy… Kể cả một số quốc gia có kết cấu hạ tầng khá tương đồng với Việt Nam là Thái Lan, Ai Cập”, vị chuyên gia dẫn chứng và cho rằng, việc sớm áp dụng giải pháp tích hợp radar vào hệ thống ITS không chỉ mang lại hiệu quả KT – XH trong khai thác tối ưu tuyến đường, mạng lưới đường, nâng mức phục vụ cao hơn cho người tham gia giao thông mà quan trọng là giúp giảm thiểu TNGT.

Liên quan đến dự án cao tốc Bắc – Nam đang triển khai xây dựng, trao đổi với Báo Giao thông, ông Đào Ngọc Vinh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI – tư vấn lập dự án) cho biết, vừa qua, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án đầu tư hệ thống ITS đối với các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam. Ông Vinh khẳng định: “Đã là đường cao tốc, dứt khoát phải được đầu tư hệ thống ITS để phát huy tối đa hiệu quả khi đưa vào khai thác”.

Theo ông Vinh, hệ thống ITS phục vụ rất nhiều lợi ích cho các đơn vị quản lý, khai thác đường cao tốc trong việc giám sát, điều tiết giao thông; phát tín hiệu cảnh báo sự cố trên đường cho phương tiện…

Tuy nhiên, ông Vinh cho rằng, hệ thống ITS đang được áp dụng tại một số tuyến cao tốc hiện có nhược điểm là camera sẽ khó phát hiện chính xác phương tiện trong các điều kiện khắc nghiệt (sương mù, khói lửa…) để cảnh báo sự cố.

Do đó, cần thiết phải tích hợp thêm công nghệ radar vào hệ thống ITS để phát huy tối đa hiệu quả trong công tác giám sát, vận hành đường cao tốc.

“Hiện nay, Bộ GTVT đang nghiên cứu, xem xét để đưa giải pháp tích hợp radar vào trong hệ thống ITS đối với các dự án đường cao tốc Bắc – Nam”, ông Vinh nói.

Tìm hiểu của PV, tại khoản 2, Điều 2, Nghị quyết số 52/2017 của Quốc hội về dự án tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 cũng nêu rõ: “Dự án áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, đảm bảo yêu cầu an toàn, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả”. Điều đó cho thấy, việc triển khai tích hợp công nghệ radar hiện đại để vận hành tuyến cao tốc Bắc – Nam là rất quan trọng và cần thiết.

Nguồn: www.baogiaothong.vn
Thông tin về sản phẩm Adsun
http://adsun.net.vn/product-vi